Lịch sử Công an Thành phố Hồ Chí Minh

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời.

Tại Nam bộ, ngày 26 tháng 8 năm 1945, Quốc gia Tự vệ cuộc được thành lập, trực tiếp phụ trách địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ trấn áp tình báo, gián điệp, phản cách mạng, tham gia xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở các địa phương, tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng nhân dân tham gia kháng chiến, giúp Quốc gia Tự vệ cuộc bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng còn non trẻ và chuẩn bị lực lượng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Tháng 10 năm 1945, để kịp thời chỉ đạo các tỉnh miền Đông Nam bộ trong tình hình kháng chiến đã bùng nổ, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ quyết định thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc miền Đông.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quốc gia Tự vệ cuộc được tổ chức lại và mang tên mới là Công an Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL về việc thành lập Việt Nam Công an vụ. Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường chia cắt, giao thông liên lạc khó khăn nên đến tháng 4-1946, Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ mới triển khai Sắc lệnh 23/SL và đổi tên thành Sở Công an Nam bộ.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bộ máy công an Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định từng bước được tổ chức tương đối hoàn chỉnh, các mặt hoạt động được tăng cường và đẩy mạnh, liên tiếp trừng trị những tên Việt gian có nợ máu với nhân dân như: Nguyễn Văn Sâm – Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp Quốc gia, Marcel Bazin – Chánh Mật thám Nam kỳ (Vụ ám sát Bazin)... Song song đó, các lực lượng khác của công an Sài Gòn – Chợ Lớn đã thực hiện hàng chục vụ, tiêu diệt hàng trăm tên, vừa lính Pháp, vừa tay sai và vận động đồng bào tiếp tục các cuộc đấu tranh sôi nổi, hỗ trợ đắc lực phong trào cách mạng tại thành phố.

Sau Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2-1951), tháng 6-1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam bộ; Nam bộ được chia làm 2 phân liên khu miền Đông và miền Tây, tỉnh Gia Định Ninh được thành lập trên cơ sở nhập 2 tỉnh Gia Định và Tây Ninh. Từ chủ trương đó, Ty Công an Gia Định Ninh được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Lựu làm Trưởng ty.

Tháng 3 năm 1961, Ban Bảo vệ an ninh khu Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4) được thành lập để bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ, thu thập địch tình ngay tại sào huyệt của chúng.

Sau ngày giải phóng, tình hình thành phố rất phức tạp về chính trị - xã hội, yêu cầu và nhiệm vụ của ngành công an rất nặng nề. Lực lượng An ninh T4 với tên gọi mới là Ban An ninh Nội chính dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quân quản thành phố đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác, vừa làm công tác tiếp quản, phục vụ ổn định đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Bước vào năm 1976, tình hình cách mạng tại thành phố có nhiều thay đổi lớn. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là TP.HCM. Theo đó Ban An ninh Nội chính Sài Gòn – Gia Định chính thức đổi tên thành Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1976 là năm đầu tiên ngành công an đã thống nhất trong toàn quốc về đường lối, nhiệm vụ, phương châm hoạt động, thống nhất lực lượng và cơ cấu tổ chức nên đã tạo ra sức mạnh mới trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.[1]